XÓM TRỌ NGHÈO

 “Hò hơ ... Ghe chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm...

   Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu...”



Câu vọng cổ cất lên từ chiếc radio cũ trong phòng ông Tám khiến Ngân giật mình tỉnh giấc sau giấc ngủ lơ mơ vào buổi chiều tà. Mới đó mà đã hơn một tháng kể từ khi cô dọn đến khu xóm trọ dành cho dân lao động nghèo này. Chỉ cách trung tâm thành phố chẳng bao xa, mà trái ngược với vẻ ồn ào tấp nập cùng bao ánh đèn lấp lánh về đêm; xóm trọ nghèo nàn và tối tăm nằm hun hút trong hẻm sâu, cách con lộ dẫn vào trung tâm thành phố bởi một con rạch lớn. 


Ngân cũng chưa từng nghĩ có ngày mình phải thuê một căn phòng nhỏ chưa tới mười mét vuông, tối tăm và ẩm thấp như thế này. Đặc biệt cứ mỗi lần Sài Gòn đổ ào xuống những cơn mưa chiều bất chợt, thì nước lại lênh láng khắp nơi. 


Ngân vốn là một nhân viên tư vấn cho một trung tâm chăm sóc sắc đẹp. Lương tháng tuy không nhiều nhưng cũng đủ để cô trang trải những chi phí đắt đỏ nơi đất Sài Thành trong suốt mấy năm qua. Mới vài tháng trước, cô còn ở trong một căn phòng tuy nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi ngay khu quận 5 tấp nập. Thế nhưng cái thai ngoài ý muốn làm ngoại hình cô thay đổi khá nhiều khiến bà chủ lấy cớ tiệm vắng khách mà đuổi việc. Chẳng thể trở về quê vì sợ điều tiếng thiên hạ, cô phải dọn về khu xóm trọ nghèo mà người quen giới thiệu, tằn tiện chi tiêu từ những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi ráng đợi đến ngày sinh nở. 


Ăn gì chưa con ơi, tao có ít khô cá lóc. Có đói thì qua ăn miếng cơm này! 


Giọng ông Tám vọng qua từ bên kia vách tường như mọi ngày. Gia đình ông có lẽ là những người trú chân ở khu trọ này lâu nhất. Nghe đâu họ ở dưới Cà Mau, sống hơn nửa đời người với nghề nuôi bắt cá. Nhưng ngờ đâu bị người ta lừa gạt mất trắng nhà cửa đất đai, lại thêm bệnh tim của đứa con trai ngày càng trở nặng nên hai vợ chồng dắt díu nhau đưa con lên thành phố mong kiếm ít đồng sống qua ngày và chắt chiu để chữa bệnh cho con. Ông làm nghề xe ôm và chở hàng dạo, ai kêu chở gì thì ông tranh thủ lúc vắng khách kiếm thêm đôi ba đồng. Bà Tám mỗi sáng sau khi lo cho đứa con trai xong thì cuốc bộ hơn cây số đến cái xóm kế bên lặt rau muống thuê. Mỗi ngày bà vẫn cần mẫn ngồi nhặt bỏ hết lá lấy phần thân rau, công việc nhẹ nhàng nên đồng lương cũng bèo bọt chỉ đủ bữa cơm tạm bợ cho gia đình; nhưng nó cũng khiến đôi bàn tay và hai chân của bà mốc trắng vì bị nước ăn. Ngân biết ông bà Tám nghèo, mà đâu chỉ riêng ông bà, cả cái xóm trọ này có ai mà dư dả. Họ toàn là dân lao động từ tứ phía đổ về hòng mong kiếm được kế sinh nhai ở mảnh đất Sài Gòn đắt đỏ nhưng cũng lắm cơ hội này. Nghèo là thế, nhưng Ngân cảm nhận được nét hồn hậu và hào sảng của người miền Tây nơi ông bà. Biết Ngân ở một mình, lại bụng mang dạ chửa nên cứ chiều chiều ông bà lại bảo sang ăn cơm cùng, bữa ăn đạm bạc khi thì với nồi canh rau muống bà Tám xin về từ chủ vựa nấu cùng dăm con tôm đất, lúc thì với ít cá khô họ mang lên từ quê nhà; nhưng mâm cơm bao giờ cũng ấm áp và chan chứa yêu thương. 


Đối diện phòng Ngân là một người phụ nữ trạc tuổi tứ tuần. Ngày đầu khi Ngân dọn về xóm trọ đã nghe văng vẳng chất giọng Huế của chị “ôi, lại một đứa chửa hoang, răng mà khờ rứa em ơi”...Ngân thoáng khựng người khi nghe chị nói, nhưng đằng sau cái giọng nói chát chúa và thẳng thắn đó là một con người chu đáo và tình cảm, Ngân cảm nhận được điều đó dù chỉ ở gần chị chừng hơn tháng. Chị Hà là công nhân may ở hãng quần áo xuất khẩu, những hôm không tăng ca, chị thường ghé qua phòng Ngân tâm sự đủ chuyện trên đời. Chị cũng từng có chồng, nhưng duyên đứt gánh; chị tái hôn rồi sinh được đứa con trai nhưng duyên phận cũng chẳng đến đâu. Chị đành gửi con cho ông bà ngoại rồi vào Sài Gòn mấy năm nay; mỗi tháng cố gắng dành dụm đôi ba triệu, chị lại gửi về nuôi con ăn học. Những lúc nhắc về con, mắt chị lại ươn ướt “phận mình lang bạt, có biết nơi mô là nhà, công việc nay đây mai đó, răng dám mang nó theo cùng em ơi, dù nhớ lắm”, nói rồi chị lại gạt nước mắt và xoa nhẹ lên bụng Ngân “tao trách mi dại, dại vì quen cái thằng không ra chi, ráng mà lấy làm bài học nhớ đời; nhưng đã lỡ mang đứa con rồi thì có nghèo có đói cũng ráng sinh ra nó, máu thịt của mình mà, răng bỏ được, tội lắm”. Thế rồi cứ dăm ba bữa chị lại mang qua cho Ngân khi thì cái áo, lúc thì đôi vớ chị đan để dành cho đứa con gái sắp chào đời của Ngân. Cái tình của chị - của một người xa lạ, Ngân trân quý lắm!


Mấy hôm nay căn phòng ở cuối dãy trọ im ắng hẳn. Mọi hôm từ sáng sớm đã nghe tiếng nói cười của vợ chồng anh Huấn chị Liên; nhưng dạo gần đây sáng dậy lại thấy anh lầm lũi dắt xe đi làm, chị thì đóng cửa im ỉm cả ngày. Bà Tám bàn với chị Hà chiều qua thăm hỏi thử xem có chuyện gì. Gõ cửa hồi lâu thì chị Liên mở cửa với gương mặt mệt mỏi, chị oà khóc nức nở khi nghe mọi người hỏi han. Thì ra cái thai vừa mới vừa hình thành trong bụng chị đã bị sảy. Lấy nhau đã nhiều năm, trông ngóng bao ngày thì chị mới mang thai, nhưng vừa được chừng ba tháng thì đứa con trong bụng lại bỏ chị ra đi. Vì sức khỏe yếu nên từ lúc cấn thai chị cũng xin nghỉ việc, bao nhiêu áp lực kinh tế đè nặng lên đôi vai của anh Huấn với mấy triệu tiền lương thợ hàn ít ỏi. 

Bà Tám lục lọi một hồi, vét được trong túi tờ hai chục đưa cho chị Hà “mày ra chợ mua lạng thịt về tao nấu cho con Liên miếng cháo, nó nhợt nhạt thế này chắc mất máu và mệt mỏi lắm”.


Bà cụ Hai ở phòng kế bên nghe được chuyện lại mang qua vài quả trứng gà cho chị Liên tẩm bổ. Liên khua tay bảo bà:


- Dạ thôi Bác ạ! Bác nào có dư dả gì, để dành mà ăn! Cháu ổn mà.


- Cháu cứ ăn đi! Giai đoạn này cần phải nghỉ ngơi tẩm bổ! Tao già rồi, có ăn mấy đâu!       


Đôi mắt chị Liên lại ngân ngấn nước, nhưng có lẽ chị xúc động vì cái tình nghĩa mà những người xóm giềng dành cho mình. Ngân quay về phòng lục tìm lon sữa bò mà đứa bạn thân mới gửi xuống cho, cô mang qua cho chị Liên. Cũng là một người sắp được làm mẹ, đã cảm nhận được sợi dây liên kết với con qua những nhịp tim con đập, qua cái trở mình và cái đạp của con; cô hiểu chị Liên đau đớn biết bao khi mất đi đứa con mà chị đã mong ngóng mấy năm trời. Cuộc sống ngoài những lo toan miếng cơm manh áo hàng ngày, thì ẩn sâu trong mỗi con người đều luôn chứa đựng những nỗi niềm riêng. Nhưng đôi khi trong những lúc khó khăn đó, thì cái tình người càng thấy ấm áp biết bao. 


Nửa đêm nghe tiếng mọi người ồn ào bên ngoài, con chó Mực của ông Tám cũng sủa inh ỏi trước sân. Ngân bật dậy mở cửa nhìn ra, đèn bật sáng choang và mọi người đang tụ tập trong phòng cụ Hai. Cô khoác vội chiếc áo rồi nhanh chân chạy qua phòng cụ. 


Từ ban chiều cụ đã đau quặn bụng nhưng ráng chịu đến nửa đêm thì gần như ngất lịm. Chị Hà tăng ca về khuya thấy cánh cửa phòng cụ khép hờ nên ghé vào hỏi han, ngờ đâu thấy cụ đang lịm đi trên ghế, đầu vã đầy mồ hôi. Ông Tám và anh Huấn nhanh tay bế cụ rồi chở vội vào bệnh viện quận, trước khi đi mọi người chung vào được tầm một triệu nhét vào túi ông Tám để phòng hờ chi trả viện phí ban đầu. Cả đêm, mấy người phụ nữ tụm nhau trong phòng chị Liên đợi tin từ bệnh viện. Ai nấy gần như thức trắng trong lo lắng, bởi cụ Hai vốn dĩ đã già yếu, ngày ngày lại dãi nắng dầm mưa đi thu lượm ve chai; ở cái tuổi gần đất xa trời đó lại bệnh tật thế này, mấy ai chịu được. 


Chị Hà chợt nhớ mới tuần trước cụ Hai có mượn nhờ điện thoại của chị để gọi cho đứa con gái đầu lòng. Đã có lần nghe cụ kể, cụ có bốn người con, nhưng đứa nào cũng nghèo lại vướng gia đình riêng, nên một thân một mình cụ thuê cái phòng trọ tồi tàn để ở rồi thu lượm ve chai sống qua ngày. Con cái đôi ba tháng mới ghé qua thăm một lần, có khi cho cụ chục trứng hay vài lon gạo rồi thôi, bởi chúng cũng nghèo nên nào lo được gì cho cụ. Chị bấm máy gọi cho con gái của cụ báo tin. 


Ba hôm sau thì cụ Hai được xuất viện. Bác sĩ bảo cụ đã yếu, ăn uống thất thường lại hay suy nghĩ nên bị viêm dạ dày nặng. Ngày đưa cụ từ viện về, ngoài anh Huấn và ông Tám, còn có vợ chồng con gái đầu của cụ. Sau cuộc trò chuyện với bà Tám và chị Hà hôm trước, cô con gái quyết định đón cụ về nhà chăm sóc. 


Ngày chia tay, cụ móm mém cảm ơn từng người và dặn dò đủ điều. Trong ánh mắt cụ, Ngân thấy niềm hạnh phúc khi được trở về bên con cái nhưng ánh mắt đó cũng chứa đầy lưu luyến khi chia tay cái xóm trọ nghèo nhưng đầy tình nghĩa này. Cô con gái cụ Hai cầm tay bà Tám rồi thỏ thẻ:


  - Cháu cảm ơn lời dặn dò của Cô. Cô nói đúng ạ, “cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày”, cháu đã sai rồi! Trong cái nghèo đói lúc xưa, mẹ cũng nuôi cháu lớn lên bằng bát nước cơm chắt ra, giờ mẹ già yếu thôi thì cháu nghèo cũng ráng nuôi mẹ cơm cháo qua ngày...


Mắt bà Tám rưng rưng nhìn bóng cụ Hai khuất xa dần sau con rạch. Ngân thấy mừng cho cụ. Ở cái tuổi xế chiều, có cái hạnh phúc nào bằng hạnh phúc được xum vầy bên con cháu?!


Hoàng hôn lại buông xuống thành phố, thêm một ngày vội vã lại trôi qua. Những ánh đèn rực rỡ trải dài khắp các con phố. Nhưng đâu đó trong cái ồn ào, náo nhiệt và phồn hoa của Sài Gòn; vẫn có những khu xóm nghèo với những người lao động chân chất luôn mang trong mình hy vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.


Ngân vén tấm rèm nhìn qua cửa sổ; ở phía bên kia con rạch, một nhà máy chế biến thực phẩm đang được gấp rút xây dựng. Một sự thay đổi rõ rệt và mang đến hàng ngàn cơ hội việc làm cho nhiều lao động nghèo. “Ừ vài tháng nữa thôi, khi con ra đời và cứng cáp hơn, mẹ sẽ xin một công việc ổn định, rồi cuộc sống của mẹ con mình sẽ ổn thôi con gái nhỉ, quanh mình vẫn còn có rất nhiều người hàng xóm nghĩa tình”....Ngân xoa bụng thì thầm với đứa con gái sắp chào đời...


***************

Sự giúp đỡ trong hoàn cảnh nào cũng đáng quý. Nhưng cái tình người trong những lúc khó khăn nhất thật đẹp biết bao nhiêu! 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GÁNH CON, MẸ GÁNH CẢ CUỘC ĐỜI

VIỆT NAM TÔI ƠI, RỒI SẼ ỔN!