CHA ƠI, CÓ TRỞ VỀ...



Thằng Bạc đứng bên bụi cỏ dại ven sông, nó nhìn ra xa mong đợi bóng dáng thân thương của cha nó. Đã suốt mấy tháng trời, cứ mỗi chiều nó lại ra ngóng về phía bên kia sông. Hàng xóm láng giềng đã quen thuộc với hình ảnh một thằng bé đem nhẻm, cao gầy vẫn đứng đó mỗi chiều. Mẹ nó đã nhiều lần ra gọi nhưng nó cũng chẳng nghe, riết rồi bà cũng bỏ mặc. Nó thường đợi đến lúc trời chập choạng tối, khi tiếng dế đã kêu vang khắp cả mé sông, khi những ngọn đèn dầu đã chập chờn trong những ngôi nhà tranh trong xóm, thì nó mới lủi thủi quay về nhà. 

Cha nó làm nghề lái đò trên bến sông gần nhà. Mỗi ngày ông vẫn cần mẫn đưa bao lượt khách đi về giữa hai bến. Những hôm nào thưa khách thì ông nhận chở hàng thêm cho các tiểu thương, vóc dáng tuy bé nhỏ nhưng ông vẫn cật lực khuân những túi hàng nặng đặt lên chiếc ghe và khua đều mái chèo cho con thuyền trôi nhẹ trên sông.  

Ông âm thầm tận tụy với cái nghề lái đò suốt bao năm trời, những chuyến đi và về của ông cũng chở nặng theo những ước mơ của thằng Bạc, nuôi nó lớn lên với những bữa cơm đủ đầy, cho nó đến trường để đuổi theo con chữ.

Nó cũng đã từng ước mơ rằng mai này nó cũng làm người lái đò giống cha. Nó vẫn luôn thấy niềm vui hiện lên trong ánh mắt ông khi nghe ông kể về những chuyến đò đưa đón biết bao lượt khách, đủ phận người, nhiều hoàn cảnh và những câu chuyện khác nhau. 

Từ khi sinh ra, nó chưa từng thấy nụ cười và sự âm yếm vỗ về mà mẹ dành cho nó. Bà vẫn thường im lặng làm việc nhà, và gương mặt không biểu hiện chút cảm xúc nào.

Những bước đi chập chững đầu tiên trong đời nó cũng bám vào cha mà bước tới. Cứ đi đôi ba bước nó lại ngồi bệt xuống đất, ông lại dỗ dành đỡ nó đứng dậy và kiên nhẫn tập tiếp cho nó. Lớn lên một chút, có lần nó theo lũ bạn trong xóm làm cái lồng đèn bằng lon sữa bò, loay hoay một buổi không xong nó vứt ngang rồi bỏ về với vẻ mặt chán nản. Nó nhớ như in ông cầm tay nó dắt ra sau sân nhà, ông chỉ cho nó một đàn kiến đen đang nối nhau đi về tổ. Ông bảo với nó rằng đàn kiến bé nhỏ phải vượt qua bao nhiêu đoạn đường dài để kiếm mồi và tha về tổ, có lúc nó sẽ mệt mỏi và dừng lại trong phút chốc nhưng rồi lại tiếp tục cuộc hành trình đó. Con có thể nghỉ ngơi đôi chút, nhưng đừng nản lòng và bỏ cuộc. Nó lại tiếp tục đẽo thanh tre và gắn vào lon sữa cũ. Mùa trung thu năm đó, chiếc đèn của nó kêu leng keng, ánh sáng tỏa ra rực rỡ cùng nụ cười tươi lan khắp xóm.

Những đêm khuya nóng sốt, trong cơn mê sảng, nó thấy thấp thoáng bóng cha sờ tay lên trán và đắp khăn cho nó suốt cả đêm. Ngày đầu tiên đi học, cũng là cha nắm tay nó đưa đến tận lớp. Những buổi trưa hè nó nói dối mẹ rồi trốn ngủ trưa chạy theo lũ bạn lên đồi hái sim. Chiều về muộn, nó bị mẹ đánh đòn, cũng là cha chạy vội vào nhà can ngăn. Ông thường dùng lọ dầu xoa vào vết đỏ mẹ nó mới đánh và nhẹ nhàng nói với nó “đừng bao giờ nói dối nghe con, nếu muốn đi đâu làm gì, hãy cứ nói với cha mẹ. Kể cả sau này trong cuộc đời cũng hãy luôn thành thật mà sống con nhé. Thứ đắt giá nhất trên đời này chính là lòng tin, để tạo nên nó con cần cả một thời gian dài, nhưng đôi khi có thể đánh mất nó chỉ trong vài  giây ngắn ngủi. Sự thật có khi khó nghe nhưng vẫn tốt hơn ngàn vạn lần lời nói dối “. Nó không hiểu hết những lời ông nói, nhưng sự vỗ về của ông khiến nó thấy ấm áp trong lòng. 

Cha nó thường đun nước bồ kết cho mẹ nó gội đầu. Biết bà thích hương hoa bưởi, ông còn thả thêm vài chiếc hoa thơm lừng vào nồi nước. Ông luôn nhìn bà bằng đôi mắt dịu dàng và ấm áp, nhưng đáp lại ông luôn là vẻ mặt lạnh lùng của mẹ. Có lần bà nổi giận vung tay hất đổ ấm trà nóng hổi trên bàn, ông vẫn từ tốn mang đến bát nước lạnh rồi nhẹ nhàng nắm bàn tay bà ngâm vào nước cho dịu vết bỏng. Nó luôn ngạc nhiên bởi sự điềm đạm của ông, và ông vẫn thường xoa đầu nó bảo “Sự giận dữ sẽ phá hỏng mọi thứ mà con có. Hãy kìm chế và để cho nó qua đi”...phải chăng đó là lý do khiến ông vẫn nhẫn nhịn và dịu dàng với mẹ bao năm qua, vì ông sợ đánh mất đi mái ấm này?!

Vào một chiều mùa đông trở gió, bữa cơm mẹ nó dọn ra đã nguội ngắt, nhưng vẫn chưa thấy cha nó trở về. Thường ngày ông vẫn về nhà khi trời vừa chập choạng tối, có khi ông mang cho nó một bịch bánh mè hoặc đem về cho mẹ nó một túi bồ kết thơm lừng mà ông tranh thủ ghé mua vội ở khu chợ mới bên kia sông. Nhưng buổi chiều hôm ấy, hai mẹ con nó đợi cả buổi vẫn không thấy ông đâu. Trời càng lúc càng nổi gió, mưa lại nặng hạt như muốn ngập hết hiên nhà. Mẹ dặn nó thay cái chậu hứng nước mưa và cài chốt cửa rồi bà chạy qua nhà chú Tư hàng xóm nhờ giúp đỡ.

Khi mọi người chèo ra giữa sông thì chỉ thấy chiếc thuyền lật úp, không thấy cha nó đâu. Các chú, các bác trong làng cũng chỉ lặn được một đoạn rồi đành quay về vì trời tối mù mịt và cơn mưa càng lúc càng nặng hạt. 

Mẹ nó trở về nhà với gương mặt thẫn thờ. Đó là lần đầu tiên nó thấy bà khóc, giọt nước mắt cứ thế chảy dài trên gương mặt vốn đã in đậm nhiều nỗi buồn trong cuộc đời bà. 

Người ta bảo cha nó đi rồi. Mẹ bảo nó đừng đợi ông nữa. Nhưng nó vẫn lẳng lặng ra bờ sông trông về phía xa mong ngóng ông mỗi chiều. Đôi khi trong vô thức, môi nó vẫn lắp bắp “cha ơi, cha có về nữa không?”. Phải mất mấy tháng sau nó mới quen dần với mâm cơm chỉ còn lại hai mẹ con nó. 

Vài năm sau, khi đã lớn hơn, nó mới biết cái tên Bạc là do mẹ nó đặt cho nó, để nhắc nhở bà nhớ đến người cha ruột của nó, người đã bội bạc bỏ rơi bà lúc bà mang thai nó để chạy theo người phụ nữ khác.

Cha nó thương cho hoàn cảnh của mẹ nó nên ông ngỏ lời cưới. Hai người dọn về sống chung bằng một mâm cơm đạm bạc ra mắt gia đình hai bên. Thế là ông trở thành cha của nó. 

Nhiều năm sau mẹ nó mất, nó cũng rời khỏi làng quê nghèo đi lập nghiệp nơi thành phố. Nó mang theo hình bóng cha và những bài học đầu đời ông dạy để trở thành một người thật tốt. Nó góp sức mình xây dựng nên chiếc cầu nối liền giữa hai bờ sông cho người dân trong làng qua lại dễ dàng, để không phải có thêm một ai ra đi như cha nó trong những hôm trời bỗng nổi cơn cuồng phong thịnh nộ. 

Chiều nay nó về lại nơi bến sông cũ, thấp thoáng xa xa, nó thấy bàn tay cha đang vẫy chào cùng nụ cười thật hiền trên môi ông. 

“An nghỉ cha nhé, công dưỡng dục của cha, con ngàn lần ghi khắc trong tim”. Nó nhủ thầm. 

 Bài viết và hình ảnh: Thiên Hương (Huong Dang)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GÁNH CON, MẸ GÁNH CẢ CUỘC ĐỜI

XÓM TRỌ NGHÈO

VIỆT NAM TÔI ƠI, RỒI SẼ ỔN!