CHUYẾN TÀU ĐÊM

Chuyến tàu Bắc Nam đang tiến vào chầm chậm rồi dừng hẳn ở nhà ga thành phố Huế để đón thêm một lượt khách trong chặng hành trình dài. 



Gã khoác chiếc ba lô cũ kỹ lên vai rồi lê những bước chân mệt mỏi về phía gần cuối của đoàn tàu, nơi gã chỉ đủ tiền mua một chỗ trong khoang ghế cứng. 

Sau những đêm mất ngủ và cả những hôm vùi đầu vào men rượu cho quên hết chuyện đời, gã mệt mỏi thật sự. Gã kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần, ngay cả chuyến đi vào Nam lần này cũng chỉ là cuộc chạy trốn không biết ngày mai của gã. Gã đã nghĩ như thế! 

Gã sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thôn Vĩ Dạ. Khi mà Huế đã dần khoác lên mình những chiếc áo mới với những con đường dần đổ bê tông và những toà nhà cao tầng, thì thôn Vĩ Dạ của gã vẫn bình dị và thơ mộng hệt như trong những vần thơ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử. 

Những năm tháng tuổi thơ của gã là hình ảnh cha mẹ ra đồng từ sớm khi cả thôn còn phảng phất một màn sương mỏng, cùng những buổi chiều tà yên ả gã cùng đám bạn chạy nhảy đùa giỡn quanh con đê đầu làng. Khi học hết lớp mười thì gã bỏ học theo cha và cậu hai đi mò hến trên dòng Hương Giang. Cuộc sống của gia đình gã tuy nghèo nhưng cứ yên ả trôi qua như thế theo ngày tháng. Mối tình đầu của gã cũng được góp nhặt lại từ những yêu thương bình dị quanh cái thôn làng này. Một mối tình thật đẹp đẽ và mộng mơ như những câu hát của nhạc sĩ Thương Linh:

...Thuở xưa ngày đầu của nhau
Hai đứa vang câu tình ca
Ngày đầu của nhau, anh đón đưa em về nhà
Trăng nước hiền hòa, ngày đầu của nhau hương sắc tình yêu đậm đà...

Và rồi cái bình yên mà gã vốn đã quen thuộc, quen như cái cách bao năm qua gã điềm nhiên hít thở bầu không khí thanh bình ở Thôn Vĩ, bỗng chốc bị đập tan khi cha gã vướng vào lô đề và gây ra một khoản nợ lớn vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Cha mẹ gã vội vã vào Hội An lánh tạm ở nhà người quen. Sính lễ mà gia đình gã mang đi dạm ngõ cũng được nhà gái mang sang trả lại. Cái đau đớn nhất là khoảnh khắc người con gái mà gã đã yêu thương suốt bao năm qua khoác vội chiếc áo cô dâu theo chồng, nàng quay mặt đi ngang qua ngay trước mắt gã. Bất lực, đau khổ chồng chất khiến gã mất ngủ triền miên; và đã rất nhiều lần gã mượn rượu để cho qua thật nhanh những đêm dài. 

Cho đến tận hôm trước, đứa bạn thân sát vách, người đã lớn lên cùng gã từ những ngày còn tắm mưa, gọi điện bảo gã vào Sài Gòn ở tạm chỗ trọ của nó và kiếm một việc gì đó làm thêm. Chán nản và mất phương hướng, gã gom những đồng tiền còn sót lại, chỉ đủ để mua một chiếc vé rẻ nhất trên chuyến tàu vào Nam. Chính gã cũng chưa biết ngày mai, cứ thế gã dọn đồ rồi ra đi. 

Tàu chậm rãi lăn bánh rời khỏi ga vào một buổi chiều tà mưa bay lất phất. Gã chọn một chỗ trống gần cửa sổ rồi đặt vội chiếc ba lô xuống sàn. Khoang tàu của gã có tầm hai chục ghế nhưng chỉ có khoảng dăm ba người ngồi lác đác. Mỗi người một góc và bận đuổi theo những suy nghĩ của riêng mình. Đây là khoang ghế có giá rẻ nhất trên chuyến tàu nên có lẽ những người ngồi ở đây là những người lao động chân tay hoặc cũng nghèo như gã. 

Ngồi hàng ghế trên gã là một người phụ nữ trẻ đang cố gắng dỗ dành một đứa bé đang khóc ngặt. Có lẽ tiếng xình xịch của đoàn tàu khiến đứa bé khó chịu dù mẹ nó đã thử mọi cách nhưng đứa trẻ vẫn khóc đến tím tái cả người. Người đàn ông già đeo cặp kính lão dày cộm ở cuối toa nói vọng lên “Nó có đói không? Sao không cho con bé uống sữa”.

Người phụ nữ vừa ôm dỗ con vừa chậm rãi lên tiếng với chất giọng Bắc “nó bị bệnh tim bác ạ, nên lần này cháu lại mang nó vào Sài Gòn để phẫu thuật lần hai. Chẳng biết có tiến triển không nhưng may mắn có được suất mổ nhân đạo nên cháu cố đem nó vào, chắc nó mệt mỏi nên khó chịu, các bác và anh chị thông cảm cho mẹ con cháu ạ”. 

Nói rồi chị đứng dậy đi tới đi lui quanh khoang để dỗ dành đứa bé. Con bé khóc gần cả tiếng rồi lăn ra ngủ trên tay mẹ. Chắc nó cũng mệt mỏi đến mức không còn sức để khóc được nữa. Lúc này thì những giọt mồ hôi cũng chảy dài trên gương mặt chị. Có lẽ hai mẹ con chị đã trải qua một chặng đường dài từ Bắc vào đến miền Trung nên con bé đã quá mệt. 

Khi trời đã chuyển sang một màu đen kịt thì chiếc loa vọng lên tiếng của trưởng tàu “đoàn tàu đang tiến vào ga Đà Nẵng, những hành khách nào muốn xuống ga, hãy chuẩn bị hành lý và đợi tàu dừng hẳn rồi đã lên xuống”. Cha mẹ của gã mới tháng trước cũng bắt vội chuyến tàu từ Huế đến đây rồi đón xe khách vào Hội An để trốn nợ. Nghĩ tới cha mẹ, gã thoáng chốc lại thở dài. 

Một cậu thanh niên trạc tuổi gã đang khó nhọc bước lên từng bậc thang của khoang tàu. Qua ánh đèn le lói từ sân ga, gã nhìn thấy một bên chân của cậu thanh niên đã không còn, cậu đang cố gắng dùng chiếc nạng gỗ để tiến lên nấc cuối của chiếc cầu thang dài. Gã tiến tới cầm hộ chiếc túi rồi đỡ cậu thanh niên lên khoang. Nụ cười hiền thay cho câu cảm ơn khiến gã bất chợt thấy ấm áp. Có lẽ vì sự giúp đỡ của gã khiến cậu thấy gần gũi và mở lòng hơn “đợt này về quê em đưa mẹ đi chữa bệnh nhưng không may lại gặp tai nạn nên mất cả một chân, em không biết tại răng lại xui ghê ri anh à. Mẹ cũng mất trong lần nớ, em may mắn giữ được mạng nhưng lại thành tàn phế, nhưng phải ráng sống chứ làm răng chừ. Vẫn phải vào Sài Gòn đi phụ quán cơm kiếm tiền nuôi mấy đứa em, mà chừ cái thân mình như ri, không biết chủ có chịu nhận không? Nhưng phải thử chứ không lẽ lại để đói chết”. 

Nói về đoạn tương lai đầy mù mịt không rõ ngày mai nhưng vẻ mặt của cậu thanh niên vẫn bình thản và đầy ắp niềm tin. Gã thấy chột dạ, gã từng nghĩ bao nhiêu đau khổ rơi hết vào đầu mình đến nỗi khiến gã gục chìm trong men rượu đến mê mê tỉnh tỉnh; thì một cậu thanh niên tàn phế ngồi cạnh gã vẫn rạng rỡ một niềm tin về tương lai. Gã tự thấy hổ thẹn. 

Tàu về đến ga Nha Trang đã quá nửa đêm, đây là một nhà ga lớn trong hành trình Bắc Nam nên đoàn tàu dừng lại khá lâu cho hành khách lên xuống và mua sắm lặt vặt quanh nhà ga. Gã chồm đầu qua cửa sổ đón lấy cái làn gió mát lạnh giữa đêm khuya. Những chị em bán hàng rong đang vội vã chào mời khách trên tàu với những bịch trứng gà và các trái bắp luộc. Ai cũng cố gắng nhanh chân nhanh miệng nhất hòng mong kiếm được vài đồng trong cuộc mưu sinh về đêm của mình. Khi tàu lăn bánh, gã cũng kịp thoáng thấy vài cô bé ôm cái thúng còn đầy ắp hàng trở về lại nhà ga. Cuộc sống mưu sinh có bao giờ là dễ dàng! Nhưng chắc rằng họ sẽ không bỏ cuộc, lại sẽ tiếp tục tranh nhau đuổi theo những chuyến tàu khác về ga mỗi đêm muộn.

Tiếng ho húng hắng của người đàn ông gầy gò ngồi bên cạnh khiến gã tỉnh dậy giữa cơn ngủ mơ. Lại giọng của người đàn ông già ngồi cuối khoang vang lên “tôi có mang theo nhiều nước, chú lấy mà uống này, ho nhiều thế đau cổ lắm”. Người đàn ông rối rít cảm ơn rồi làm một hơi hết nửa chai nước, ông kể “tôi đi làm trong miền Nam, bao nhiêu năm hít khói bụi ở công trình nên nó ăn vào phổi rồi, biết vậy mà chẳng có tiền khám, cứ đành sống với nó qua ngày thôi vậy” nói rồi ông lại cười hiền và uống sạch chai nước suối. 

“Mời mọi người một miếng chè lam ăn cho ấm bụng”. Vẫn là người đàn ông già hay quan tâm chuyện mọi người. Ông chậm rãi mời từng người trong khoang một miếng chè lam, ông giới thiệu đó là đặc sản quê hương, mang cả cái hồn của vùng đất Thanh Hoá. Có lẽ tiếng xình xịch của toa cuối đoàn tàu làm mọi người đều khó ngủ, và cái vị dịu ngọt của miếng chè lam thoảng hương gừng khiến ai nấy đều thấy ấm bụng nên vui vẻ nhận lấy và cảm ơn ông. Riêng một cô gái trẻ ngồi ở góc trong cùng ở cuối khoang là khước tay từ chối.

Gã cũng chỉ đoán cô còn trẻ qua mái tóc nhuộm nâu và vóc dáng nhỏ nhắn vì cô đeo khẩu trang trong suốt hành trình. Có lẽ cô là một trong những hành khách đầu tiên trên khoang, gã có thoáng thấy cô khi bước lên tàu nhưng chẳng mấy bận tâm tới. Người đàn ông già đeo kính nhẹ nhàng nói thêm với cô:  “đặc sản huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) quê tôi cô ạ, mời cô dùng cùng mọi người cho vui”. Chẳng biết vì sự quan tâm của ông lão hay vì nghe nhắc đến huyện Vĩnh Lộc, cô gái trẻ bật khóc nức nở, những giọt nước mắt nhanh chóng làm ướt chiếc khẩu trang vải cô đang mang. Cô vội vã quay mặt vào trong dùng khăn lau nhanh những giọt nước mắt, nhưng không khó để những hành khách trên toa nhìn thấy một vết bỏng lớn trên gương mặt cô gái. Ban đầu gã thoáng giật mình khi nhìn thấy gương mặt cô, nhưng khi nghe cô cất lời trong làn nước mắt, có lẽ cũng như mọi người, gã gợn lên trong lòng sự thương cảm. “Cháu cũng là người Vĩnh Lộc, nhà cháu lúc trước cũng bán món chè lam bác ạ. Nhưng giờ cháu chẳng có nhà để về nữa rồi, gã người yêu khốn nạn của cháu vì ghen tuông nên nửa đêm đã tẩm xăng đốt nhà cháu, do ngủ say nên hai đứa em cháu không qua khỏi, còn cháu thì bị bỏng thế này”. Đến lúc này thì cô không ngần ngại mở chiếc khẩu trang cho mọi người thấy một vệt bỏng dài che hơn nửa gương mặt, có lẽ đó là một nỗi đau quá lớn cho cả thể xác và tâm hồn của cô gái trẻ. Cô tâm sự ba chị em nương nhau mà sống sau khi cha mẹ qua đời, giờ đây chỉ còn mình cô. Cô đã quyết định bắt chuyến tàu vào Nam mong làm lại cuộc đời. Có người quen đã giới thiệu cô vào làm trong một xưởng may, cô bảo sẽ cố gắng làm việc để dành dụm tiền rồi đi chữa cái mặt hòng tránh sự soi mói của người đời. 

“Rồi tất cả sẽ qua cháu ạ, chỉ cần cháu cố gắng, mọi chuyện rồi sẽ tốt thôi. Đừng nhìn vào ánh mắt của người ta mà sống, ta và bà nhà ta bây giờ cả một thời tuổi trẻ đã lạc mất nhau cũng vì sự soi mói của người đời, nên khi gặp lại nhau ở độ tuổi về chiều, ta quyết phải sống vì mình”. Ông từ tốn nói với cô gái rồi quay sang vợ nhỏ nhẹ “bà có mệt không, uống miếng nước nhé”. Hai bộ đồ khá cũ kỹ và mái tóc đã bạc màu theo năm tháng không thể che được niềm hạnh phúc bình dị hiện rõ trên gương mặt họ. 

Gã chẳng cất lời nào từ lúc lên tàu nhưng những hình ảnh và câu chuyện xung quanh, gã không bỏ sót chút nào. Chỉ một chặng đường ngắn nhưng bao câu chuyện và những mảnh đời hiện ra chân thực trước mắt gã. Gã từng nghĩ gã là kẻ bất hạnh, nhưng thì ra quanh gã còn bao số phận tội nghiệp hơn rất nhiều nhưng họ vẫn cố gắng sống với một niềm tin vào ngày mai. Hà cớ gì gã không thể? 

Tàu đến ga Sài Gòn vào một buổi sáng thứ bảy trong lành. Gã bước xuống ga với một niềm tin ở miền đất mới. Gã tin rằng bằng sức trẻ và sự cố gắng của mình, gã sẽ làm việc chăm chỉ để dành tiền trả phần nợ cho cha, giúp cha mẹ trở về ngôi nhà cũ và gia đình gã sẽ có cuộc sống tốt hơn. Còn những kỉ niệm đẹp của mối tình đã cùng gã đi qua cả thời thanh xuân, gã sẽ lưu lại trong một ngăn kí ức cùng thôn Vĩ hiền hòa. Riêng những đớn đau và tiếc nuối, gã mong chúng sẽ sớm tan biến thật nhanh như làn khói mỏng của chuyến tàu đêm. 
...
“Ngày nay người đành bỏ anh canh vắng bơ vơ sầu đau.
Người đành bỏ anh, quên phút ta yêu lần đầu.
Trăng nước bạc màu, người đành bỏ người như sương khói sau chuyến tàu....” 

(trích bài hát Ai Khổ Vì Ai của nhạc sĩ Thương Linh)

********************
Khi nghịch cách ập đến, thường chúng ta sẽ có hai sự lựa chọn. Một là xuôi theo nghịch cảnh, buông thả chính mình và đắm chìm trong những khổ đau. Hai là cố gắng vượt lên nghịch cảnh để sống tốt hơn. Gã đã chọn cách thứ hai, còn bạn, bạn chọn cách nào?

  Bài viết:  Thiên Hương (Huong Dang)
  Hình ảnh: Internet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GÁNH CON, MẸ GÁNH CẢ CUỘC ĐỜI

VIỆT NAM TÔI ƠI, RỒI SẼ ỔN!

XÓM TRỌ NGHÈO