TUỔI THƠ ƠI!

Tôi được sinh ra ở một làng quê nghèo ven biển miền Trung, nơi cái nắng cháy những ngày tháng bảy và những cơn mưa ngập nước khi đông về đã trở nên quen thuộc với chúng tôi.



Tôi có một lũ bạn thân trong xóm, đám con nít trạc tuổi nên nhanh chóng thân thiết và thường rủ nhau bày ra đủ trò nghịch phá suốt cả một quãng trời tuổi thơ đầy khờ dại.

Những trưa hè nắng nóng tôi thường lùa vội cho hết chén cơm rồi lẻn nhanh ra sau vườn; nơi có bọn con Thắm, con Lượm, thằng Hải và thằng Đen đang đợi. 

Cả đám kéo nhau lên đồi sim cuối làng, nơi những quả sim đã bắt đầu chín mọng và hoa sim thì tím rực cả một góc đồi. Cứ độ tầm cuối tháng bảy, khi nắng hè đã bắt đầu nóng cháy rát cả da thì những trái sim cũng đã chín. Cả đám bọn tôi thường giành nhau những cây sim trĩu quả nhất, rồi bật cười khi thấy miệng đứa nào đứa nấy cũng tím rịm màu tím của sim. Tiếng cười của bọn tôi khi ấy giòn tan, vang khắp cả ngọn đồi.

Những buổi trưa hè trốn cha mẹ đi rong của bọn tôi không chỉ dừng lại ở đồi sim. Nhiều lần chúng tôi rủ nhau kéo qua nhà ông Tám hái trộm vú sữa. Ông trông có vẻ dữ dằn thật đấy nhưng có lần ông bảo “bọn bây có thèm thì cứ vào xin rồi ông cho hái, đừng có lén la lén lút rồi té gãy chân gãy tay”. Ấy vậy chứ mà cái của “ăn trộm” bao giờ nó cũng ngon đến lạ. 

Tôi và thằng Đen thường “đại diện” nhóm con trai trèo lên cây hái trộm, con Lượm thì canh chừng nếu thấy ông Tám xuất hiện thì nó sẽ huýt gió “báo động” cho cả bọn ẩn nấp, con Thắm thì túm cái áo lại làm túi đợi bọn tôi quăng trái vú sữa xuống. Nhưng sau vài lần trót lọt thì cũng có một lần con chó mực nhà ông Tám phát hiện ra bọn tôi. Lũ con gái hoảng sợ bỏ của chạy lấy người; tôi và thằng Đen mắc kẹt trên cây với gương mặt tái mét, lấm lét nhìn nhau. Lần đó, ông Tám dắt hai đứa về “mắc vốn” với cha mẹ, tôi và Đen ăn một trận đòn no nê nhớ đời.

Nhưng những trận đòn roi không ngăn được lũ trẻ bọn tôi thôi những trò nghịch phá. Có lẽ cái khó khăn nhất với chúng tôi lúc bấy giờ là suy nghĩ xem mình sẽ chơi trò gì, quậy phá thế nào chứ chả có điều gì khiến cả đám bận tâm hơn nữa. Thằng Hải là đứa im lặng và trầm tính nhất bọn, nhưng nó cũng là đầu sỏ trong những trò tinh quái. Nó kiếm đâu ra được cái tổ ong trong vườn rồi rủ cả đám đi chọc phá. Nó bày trò ra nhưng lại xúi tôi cầm cây chọc, đến khi ong sắp bay ra thì cả đám co giò bỏ chạy trước, rốt cuộc tôi bị ong chích sưng hết cả mặt mày.

Mẹ ngâm khăn lạnh rồi chườm lên các vết đốt cho đỡ sưng. Mặc cho tôi rên rỉ vì đau, bà vẫn chườm liên tục và không quên cằn nhằn vì cái tội nghịch phá của tôi. Con Thắm ghé qua thăm tôi với cây kẹo ú. Nó bảo mẹ mua cho nó hôm qua, nó để dành, nhưng thấy tôi bị ong đốt tội nghiệp nên mang qua cho. Ôi tôi cảm động đến muốn khóc, cục kẹo làm bằng loại đường bát đặc biệt của quê tôi cũng không ngọt ngào bằng giọng của con Thắm khi nó cất tiếng hỏi “mày có đau nhiều lắm không?”...

Tôi chẳng bao giờ được đóng vai chú rể khi chơi trò đám cưới trong làng. Con Thắm xinh nhất xóm nên nó luôn được ưu tiên làm “cô dâu”. Thằng Hải là thủ lĩnh của cả đám nên điềm nhiên nó giành phần làm “chú rể”. Tôi và thằng Đen thường đi nhặt lá dừa làm vòng hoa và nhẫn cưới cho bọn nó. Con Lượm thì bỗng hoá thành “thợ trang điểm chuyên nghiệp” khi nó tô đôi môi con Thắm tím rịm bằng trái mồng tơi nó hái ngoài vườn, nó còn biến con Thắm trở nên “lộng lẫy” hơn bằng vô số loại hoa cỏ dại mà nó lượm được. Khi tiếng “tình tính tang” bằng cái giọng ca “không đối thủ” của thằng Đen vang lên cũng là lúc hai đứa cô dâu chú rể bọn nó trao nhẫn cưới. Có lần lẽo đẽo theo con Thắm về nhà, tôi hỏi nó “lớn lên tao cưới mày nghe Thắm”...nó chu môi lên rồi đáp “hổng thèm đâu, tao hổng có lấy chồng”...cái nỗi buồn “bị từ chối” đó cũng tan nhanh trong vài phút khi cơn mưa đổ ầm xuống bất ngờ. Tôi kéo con Thắm núp vội vào đống rơm nhà bà Tư rồi chạy ù ra bẻ hai cành lá chuối. Hai đứa che cái lá chuối còn tươi xanh mơn mởn lên đầu rồi chạy ù về nhà, tiếng cười giòn vang khắp lối về. 

Quê tôi cứ tầm cuối tháng mười là lũ lại về. Những cơn mưa ngập khắp xóm và những cơn bão triền miên kéo đến khiến cái vùng quê vốn đã nghèo lại càng thêm khổ mỗi lần bão lũ đi qua. Và trong một lần cơn bão kéo tới, nó cuốn luôn theo thằng Hải về với biển. Bọn tôi khóc ngất trước di ảnh nó, tôi hét lên mong nó tỉnh dậy, tôi hứa sẽ không tranh giành vị trí “chú rể” với nó nữa, mỗi lần chơi đá gà bằng bông cỏ gà tôi nhất định cũng nhẹ tay hơn để cho nó thắng..nhưng nó chẳng còn nghe tôi nói nữa..cứ nằm im đó...an yên, bình thản như trong một giấc ngủ dài.

Cứ vài ba cái mùa hè qua đi, ngoài làn da được nhuộm đen nhẻm thì đứa nào đứa nấy cũng lớn phổng lên. Khi lần đầu tiên thấy con Thắm ôm chiếc cặp da đen bước tới lớp trong tà áo dài trắng, tôi đã “đứng hình” mất vài giây. Ôi, nó đã thành thiếu nữ thật rồi, tôi còn chưa kịp một lần làm “chú rể” để cùng nó trao nhẫn cỏ, thế mà...
...........
“Tít tít tít...” Tiếng chuông báo thức vang lên liên hồi khiến tôi giật mình tỉnh giấc. Bật dậy nhanh chóng sửa soạn rồi bắt chuyến xe buýt để tới công ty. Giữa những bộn bề của cuộc sống, giữa một đô thị tấp nập đầy tiếng còi xe và khói bụi...giấc mơ tuổi thơ mang đến đến cho tôi sự bình yên đến lạ. 

Tôi thật nhớ mình của khi ấy, một “tôi” rất đỗi hồn nhiên và vô tư, mọi thứ hiện lên trong đôi mắt của tôi ngày ấy lúc nào cũng giản đơn và tươi đẹp, chẳng vướng bận bất kỳ một nỗi lo toan suy tính nào. Là những đêm đặt lưng xuống là chìm vào giấc ngủ thay vì những trăn trở rồi phút chốc lại thở dài như “tôi của bây giờ”.  Là những tình bạn hồn nhiên đầy gắn kết; dù chỉ chia nhau cây kẹo, tấm bánh, hay chọc đùa nhau khóc oà khi bắt con sâu nhét vào áo bạn...chứ phải đâu những dè dặt, suy đoán lòng người như lúc trưởng thành?!

Tôi nhấc điện thoại lên gọi cho thằng Đen. Rốt cuộc trong đám bạn ngày xưa ấy chỉ có tôi và nó là hai đứa lên thành phố học và lập nghiệp xa quê. Tôi sẽ rủ nó cuối tuần này bắt chuyến xe sớm về thăm làng. Chúng tôi sẽ về thắp cho thằng Hải nén nhang. Ghé qua nhà con Lượm mang cho con gái nó túi quà. Riêng con Thắm, chúng tôi cũng không dám xáo trộn tâm tư của nó. Sau mối tình đầu sâu nặng mà dang dở cùng bao biến cố gia đình, nó chọn theo con đường tu hành, có lẽ rằng phần nào đó cũng khiến cho tâm nó an yên hơn. 

Khi còn bé, nhiều lần tôi đã mong mình lớn thật nhanh. Nhưng khi trưởng thành, tôi chỉ mong một lần thôi, xin cho tôi được trở về một ngày khi tôi còn thơ dại...

Bài viết và hình ảnh: Thiên Hương (Huong Dang)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

GÁNH CON, MẸ GÁNH CẢ CUỘC ĐỜI

VIỆT NAM TÔI ƠI, RỒI SẼ ỔN!

XÓM TRỌ NGHÈO